Sau thời gian thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo vi điện tử-thiết kế vi mạch, chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại… Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẵn sàng bước vào ‘cuộc đua’ nhân lực trong lĩnh vực ‘hot’ này.
Cụ thể, chương trình đào tạo vi điện tử-thiết kế vi mạch, chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 đã được khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thiết kế và xây dựng để cung cấp cho sinh viên nền tảng toàn diện về lý thuyết cũng như thực hành trong quy trình thiết kế vi mạch.
Hiện khoa Điện tử viễn thông có các phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử-viễn thông được trang bị thiết bị thực nghiệm cập nhật mới và hiện đại phục vụ công tác đào tạo, thực hành thực tập của sinh viên.
Cụ thể, khoa được trang bị 5 phòng thí nghiệm và 1 xưởng điện tử phục vụ các môn học lĩnh vực vi điện tử-thiết kế vi mạch. Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa đã trang bị 1 phòng máy tính, phục vụ đào tạo lĩnh vực vi điện tử-thiết kế vi mạch mới được khánh thành đưa vào sử dụng.
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, các phần mềm chuyên dụng được doanh nghiệp tài trợ, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẵn sàng bước vào “cuộc đua” phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, cho biết, chương trình đào tạo vi điện tử-thiết kế vi mạch được xây dựng dựa trên cơ sở những thế mạnh vốn có của khoa Điện tử viễn thông về vi mạch bán dẫn, từ đội ngũ giảng dạy giàu kinh nghiệm đến cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hiện đại.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, chương trình đào tạo vi điện tử-thiết kế vi mạch được xây dựng theo hướng chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, cấp bằng kỹ sư; gồm 151 tín chỉ và đào tạo trong 4,5 năm. Chương trình đào tạo cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng nền tảng và chuyên sâu trong mảng thiết kế vi mạch số, vi mạch tương tự, hỗn hợp, và các ứng dụng liên quan đến vi mạch. Để đáp ứng tốt hơn cho việc đào tạo, trong thời gian gần đây, khoa Điện tử viễn thông đã được trang bị một phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch với các phần mềm chuyên dụng được tài trợ bởi các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn như Renesas, Cadence… Ngoài ra, khoa Điện tử viễn thông cũng được các công ty Keysight và ASIC Technologies tài trợ những bộ thiết bị đo lường điện tử hiện đại để nâng cấp phòng thí nghiệm điện tử.
“Vi mạch bán dẫn là một ngành đặc thù, trong đó sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là yếu tố then chốt để cung cấp kiến thức và kỹ năng thực tế cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra và rút ngắn thời gian đào tạo tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà trường mong muốn các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đồng hành với khoa Điện tử viễn thông trong quá trình vận hành chương trình đào tạo vi điện tử-thiết kế vi mạch, hướng tới một hợp tác bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Tại lễ công bố chương trình đào tạo, đại diện các công ty như Marvell, Synopsys, Renesas, Quest Synapse, VHT (Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel)… cam kết hợp tác với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong đào tạo và nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên để xây dựng mạng lưới quan hệ cũng như cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.